Viêm gan A là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus viêm gan A (HAV) gây ra. Bệnh có khả năng lây lan tự nhiên nhanh chóng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Theo thống kê, có tới 90% người trưởng thành từng mắc viêm gan A 1 lần trong đời. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bệnh biến chứng nặng hơn gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.
Vậy viêm gan A lây qua đường nào, làm sao để phòng tránh? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn trong bài viết dưới đây.
1. Viêm gan A là gì?

Viêm gan A là một dạng viêm gan virus có tính chất cấp tính, tức là bệnh diễn biến nhanh trong thời gian nhất định và sẽ không chuyển thành mạn tính. Virus viêm gan A chỉ tồn tại ở trong cơ thể con người và có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng, dẫn đến suy giảm chức năng gan. Tuy nhiên, khi bệnh nhân khỏi bệnh, hệ miễn dịch sẽ có khả năng kháng virus và được bảo vệ suốt đời. Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho viêm gan A.
Viêm gan A thường xuyên gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, vàng da, nước tiểu sẫm màu và các vấn đề về tiêu hóa. Trong một số trường hợp, viêm gan A có thể dẫn đến suy gan cấp, nhất là ở người cao tuổi hoặc những người đã có bệnh lý gan trước đó.
Không giống như viêm gan B và C, viêm gan A hiếm khi gây nguy hiểm tới tính mạng. Tuy vậy, người bệnh cần một khoảng thời gian dài, từ vài tuần, thậm chí trường hợp nghiêm trọng có thể cần tới vài tháng để hồi phục.
2. Viêm gan A lây qua đường nào?
Virus viêm gan A có khả năng lây lan nhanh chóng qua nhiều con đường khác nhau. Dưới đây là những con đường lây truyền chủ yếu:

a. Lây truyền qua đường tiêu hóa
Con đường chính dẫn đến nhiễm virus viêm gan A là qua đường tiêu hóa. Virus tồn tại trong phân của người bị nhiễm, và có thể bị lây lan qua nhiều con đường. Thực phẩm bị nhiễm bẩn (như rau sống, hải sản, trái cây, nước đá…). Nguồn nước uống và sinh hoạt hàng ngày bị ô nhiễm. Tay người bị nhiễm không rửa sạch khi chuẩn bị thức ăn, từ đó phát tán virus vào thức ăn và lây bệnh cho người khỏe mạnh…
b. Lây qua tiếp xúc trực tiếp
Virus có thể tồn tại trên bề mặt vật dụng, tay người nhiễm bệnh, dẫn đến nguy cơ lây truyền. Khi bắt tay, dùng chung đồ dùng cá nhân với người mang virus. Dùng chung bàn chải đánh răng, khăn tắm, từ đó virus có thể xâm nhập cơ thể. Tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm virus, tiếp xúc với dịch cơ thể, chất thải… từ người nhiễm virus trong quá trình chăm sóc.
c. Lây truyền qua đường máu (tương đối hiếm gặp)
Dù viêm gan A không phổ biến qua đường máu như viêm gan B hoặc C, nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm nếu tiếp xúc với máu của người bệnh thông qua: Sử dụng chung kim tiêm, truyền máu mà không được tiến hành sàng lọc. Hoặc tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở và dính máu của người nhiễm bệnh.
3. Cách phòng ngừa viêm gan A
Do hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho viêm gan A, do đó, phòng bệnh vẫn là biện pháp tốt nhất. Mọi người cần nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh, từ đó nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh. Và đây là những cách giúp bạn giảm nguy cơ mắc viêm gan A:

>>> Xem thêm: Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm gan A và đường lây truyền
a. Tiêm vắc-xin viêm gan A
Vắc-xin viêm gan A có thể giúp ngăn ngừa đến 95% nguy cơ nhiễm bệnh. Trẻ em từ 1 tuổi trở lên và người lớn chưa từng mắc viêm gan A nên tiêm phòng đúng và đủ liều. Việc tiêm phòng có thể được thực hiện ở các cơ sở y tế đủ điều kiện. Trong và sau khi thực hiện tiêm phòng, cần tuân thủ đúng yêu cầu của bác sỹ có chuyên môn.
Vắc-xin đủ điều kiện và chất lượng sẽ giúp cơ thể tạo miễn dịch lâu dài, kéo dài từ 15-20 năm hoặc suốt đời.
b. Giữ gìn vệ sinh cá nhân
Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Giữ vệ sinh cá nhân tốt, không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác. Giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Thường xuyên vệ sinh, dọn dẹp nơi ở.
c. Đảm bảo an toàn thực phẩm
Nghiêm chỉnh thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn đồ ăn sống, tái. Chú ý rửa sạch rau củ quả, ngâm nước muối trước khi ăn. Tuyệt đối tránh các đồ ăn sống như tiết canh, lòng mề, gỏi cá…
d. Tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm
Hạn chế tiếp xúc với người đang bị viêm gan A. Trường hợp phải tiếp xúc khi chăm sóc thì cần đảm bảo tiệt trùng đồ đạc, dụng cụ. Không sử dụng chung vật dụng cá nhân với người nhiễm bệnh. Tránh đến những khu vực có dịch hoặc nghi ngờ có dịch viêm gan A. Nếu sinh hoạt ở các khu vực có dịch hoặc nghi ngờ có dịch, cần tránh tiếp xúc với vật dụng chưa được khử trùng.
4. Kết luận
Viêm gan A là bệnh truyền nhiễm có thể lây lan nhanh chóng. Người bị nhiễm bệnh tuy hiếm khi gặp nguy hiểm, nhưng thường phải điều trị trong thời gian dài, ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế. Bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh nếu áp dụng các biện pháp vệ sinh cá nhân và tiêm vắc-xin đầy đủ. Việc nâng cao nhận thức về viêm gan A, kết hợp với các biện pháp phù hợp giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.