Bệnh tiểu đường thai kỳ ngày càng được quan tâm nhiều hơn bởi những tác động đến sức khỏe người mẹ và cả sự phát triển của thai nhi. Vậy, nguyên nhân dẫn đến tiểu đường thai kỳ là gì và có những cách phòng ngừa nào? Mời các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết của Thiên Dược nhé.
1. Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ (Đái tháo đường thai kỳ) là một thể của bệnh tiểu đường xuất hiện ở phụ nữ mang thai. Trong thai kỳ, các hormone được nhau thai tiết ra làm rối loạn hoạt động sản sinh insulin của tuyến tụy. Một khi tuyến tụy không sản xuất đủ lượng insulin mà cơ thể cần thì nồng độ glucose trong máu sẽ tăng cao. Trong số các bệnh lý rối loạn chuyển hoá ở phụ nữ mang thai thì tiểu đường thai kỳ là bệnh thường gặp nhất.
Bệnh tiểu đường thai kỳ thường tự hết trong vòng 3 tháng sau khi sinh. Tuy nhiên, có khoảng 5% thai phụ bị biến chứng thành tiểu đường tuýp 2 do không có cách kiểm soát đường huyết hiệu quả sau sinh.
2. Nguyên nhân tiểu đường thai kỳ do đâu?
Tiểu đường thai kỳ có thể xuất hiện ở bất cứ thai phụ nào. Tuy nhiên, những người có các yếu tố nguy cơ dưới đây sẽ dễ mắc tiểu đường thai kỳ hơn:
- Thai phụ trên 40 tuổi.
- Đang gặp tình trạng thừa cân, béo phì (Chỉ số BMI > 25).
- Đã từng mắc bệnh tiểu đường ở lần mang thai trước đó.
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
- Tiền sử sinh con có cân nặng từ 4kg trở lên.
- Tiền sử sinh con bị dị tật bẩm sinh nhưng không tìm ra nguyên nhân.
- Hội chứng Buồng trứng Đa nang (PCOS).
- Sử dụng một số loại thuốc như corticosteroids, thuốc kháng virus,….
3. Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ gồm những gì?
Khi mẹ bầu phát hiện thấy một trong các triệu chứng dưới đây thì nên đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được xét nghiệm tầm soát tiểu đường thai kỳ:
- Thường xuyên cảm thấy khô miệng, khát nước, uống nước nhiều, đi tiểu nhiều.
- Vùng kín bị nấm men gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu,…
- Vết thương lâu lành.
- Nhanh đói, ăn nhiều nhưng lại bị sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng.
4. Mức độ nguy hiểm của tiểu đường thai kỳ
Các chuyên gia cảnh báo: Tiểu đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ mà còn để lại nhiều hậu quả khó lường đối với sự phát triển của thai nhi. Cụ thể như sau:
4.1. Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đến sức khỏe người mẹ
- Mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ bị đa ối (dư thừa nước ối) khiến tử cung to nhanh. Tình trạng này có thể khiến mẹ bầu bị rối loạn tuần hoàn và rối loạn hô hấp.
- Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ bị sảy thai, sinh non, cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật,…
- Thai phụ dễ bị nhiễm trùng hơn và có thể để lại hậu quả nặng nề như viêm thận, bể thận.
- Sinh khó, tăng nguy cơ sang chấn và băng huyết sau sinh.
- Tỷ lệ mổ lấy thai ở nhóm phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ cũng cao hơn nhóm không mắc bệnh.
4.2. Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đến sức khỏe thai nhi
- Thai nhi dễ bị rối loạn tăng trưởng hơn (Quá to hoặc quá nhỏ).
- Thai nhi có thể bị chết lưu do đường huyết tăng quá cao.
- Tỷ lệ tử vong chu sinh (tử vong trong vòng 1 tuần sau khi chào đời) tăng gấp 2 – 5 lần.
- Trẻ sinh ra dễ bị biến chứng như suy hô hấp; hạ đường huyết; hạ canxi máu, vàng da,… .
- Trẻ khi lớn lên có nguy cơ cao bị béo phì, cao huyết áp, tiểu đường tuýp 2,…
5. Cách phòng tránh tiểu đường thai kỳ bạn nên biết
Không có biện pháp nào giúp phòng ngừa tuyệt đối đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu duy trì lối sống lành mạnh trong khi mang thai thì nguy cơ mắc bệnh chắc chắc sẽ giảm đáng kể.
5.1. Duy trì chế độ ăn uống hợp lý
Lựa chọn thực phẩm hợp lý là một trong những phương pháp phòng tránh tiểu đường thai kỳ hiệu quả. Mẹ bầu nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh như: bổ sung rau củ quả, chất béo có lợi từ các loại hạt, dầu oliu, quả bơ, sữa không đường,… Đồng thời, cần hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều muối và các loại thực phẩm chế biến sẵn như: thịt nguội, xúc xích, đồ hộp,… Mẹ bầu có thể tham khảo sự tư vấn từ các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp mà không gây tăng đường huyết.
5.2. Chú ý tới chất lượng giấc ngủ
Tình trạng thiếu ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém có thể khiến cho việc kiểm soát đường huyết trở nên kém hiệu quả hơn. Do đó, các mẹ bầu nên chú ý nhiều hơn tới việc nâng cao chất lượng giấc ngủ. Đọc sách, nghe nhạc, tránh xa thiết bị điện tử trước khi đi ngủ có thể giúp mẹ bầu có giấc ngủ ngon. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu cảm thấy quá lo lắng và căng thẳng thì hãy tìm đến một chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.
5.3. Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục đều đặn trong khi mang thai có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe tim mạch, cải thiện quá trình chuyển hóa glucose, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu, phòng ngừa tiểu đường thai kỳ.
Các hoạt động thể chất có mức độ rủi ro chấn thương thấp, phù hợp với mẹ bầu có thể kể đến như: đi bộ, bơi lội, đạp xe trong nhà, bài tập yoga dành cho bà bầu, bài tập aerobic cường độ thấp (nên có huấn luyện viên hướng dẫn).
5.4. Khám sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ thường xuất hiện ở tuần thai thứ 24 – 28. Chính vì vậy, đây cũng là thời điểm xét nghiệm sàng lọc tiểu đường thai kỳ phù hợp nhất. Nếu không được thăm khám kịp thời, tình trạng đường huyết cao sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
Thông thường, xét nghiệm dung nạp glucose được thực hiện để đánh giá khả năng xử lý glucose của mẹ bầu. Xét nghiệm dung nạp glucose bao gồm các bước sau:
- Bước 1: Bác sĩ đo lượng đường trong máu của mẹ bầu lúc đói (sau khi nhịn ăn qua đêm, ít nhất 8 tiếng)
- Bước 2: Mẹ bầu được yêu cầu uống một lượng dung dịch glucose.
- Bước 3: Bác sĩ đo nồng độ glucose trong máu của mẹ bầu vào thời điểm 1 tiếng và 2 tiếng sau khi uống dung dịch đường
Nếu chỉ số đường huyết sau 1 giờ uống lớn hơn 180mg/dL và sau 2 giờ uống lớn hơn 153mg/dL thì mẹ bầu được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ.
Thiên Dược hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp quý bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh tiểu đường thai kỳ và cách phòng tránh. Tiểu đường thai kỳ thường khó phát hiện nếu chỉ dựa vào dấu hiệu nhận biết. Do đó, các mẹ bầu hãy chủ động duy trì lối sống lành mạnh và thăm khám định kỳ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé nhé.
Các bạn có thể tham khảo thêm các bài viết về bệnh tiểu đường: