Rối loạn tiền đình và thiếu máu não là hai bệnh lý thường xuyên gây ra sự nhầm lẫn, dẫn đến hậu quả là khó điều trị dứt điểm bệnh được. Trong bài viết ngày hôm nay, dược sĩ Thuý Hiền đến từ Thiên Dược sẽ cung cấp một số thông tin giúp các bạn phân biệt hai bệnh lý này rõ ràng hơn nhé. Xin mời các bạn cùng theo dõi!
1. Phân biệt rối loạn tiền đình và thiếu máu não như thế nào?
Để nhận biết được sự khác biệt giữa rối loạn tiền đình và thiếu máu não, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng những thông tin về 2 căn bệnh này.
1.1. Khái niệm cơ bản
- Rối loạn tiền đình: Tiền đình là bộ phận nằm ở vị trí phía sau ốc tai hai bên. Bộ phận này có nhiệm vụ chính là duy trì tư thế, kiểm soát thăng bằng và sự phối hợp động tác giữa đầu, mắt, tai,…. Rối loạn tiền đình là tình trạng chức năng tiền đình bị tổn thương dẫn đến rối loạn, suy giảm khả năng hoạt động.
- Thiếu máu não: Còn được gọi với cái tên khác là thiểu năng tuần hoàn não. Đây là tình trạng quá trình lưu thông máu lên não bị cản trở, dẫn đến bị thiếu hụt lượng oxy và dưỡng chất duy trì chức năng não bộ. Tình trạng này kéo dài lâu ngày sẽ khiến chức năng của não bộ bị suy giảm.
1.2. Nguyên nhân gây bệnh
- Rối loạn tiền đình: Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, chẳng hạn như: thời tiết nóng lạnh thất thường, stress, căng thẳng kéo dài, chấn thương vùng đầu, mất nhiều máu, thiểu năng tuần hoàn não, nhiễm trùng, viêm tai giữa, viêm tai trong, lạm dụng rượu bia, chất kích thích, tác dụng không mong muốn của thuốc Tây,…
- Thiếu máu não: Đa số có liên quan đến một số bệnh lý khác như huyết áp, rối loạn nhịp tim, xơ vữa động mạch, suy thận mạn tính, suy tim, thoái hóa đốt sống cổ,… Bên cạnh đó, một số yếu tố sau cũng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh thiếu máu não: lạm dụng rượu bia, thuốc lá, thừa cân, béo phì, lười vận động, căng thẳng tâm lý,…
1.3. Các dấu hiệu đặc trưng
- Rối loạn tiền đình: Khi bị rối loạn tiền đình sẽ làm ảnh hưởng đến trạng thái thăng bằng của cơ thể, gây ra một số triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, ù tai, buồn nôn, mệt mỏi, đi lại khó khăn, lảo đảo, dễ té ngã… Các triệu chứng của rối loạn tiền đình thường tái phát nhiều lần và có nguy cơ tiến triển thành mãn tính.
- Thiếu máu não: Các triệu chứng của thiếu máu não khá tương đồng với rối loạn tiền đình, bao gồm chóng mặt, nặng đầu, đau đầu, buồn nôn, mất ngủ, khó ngủ. Tuy nhiên, người bệnh không có biểu hiện đi đứng lảo đảo, mất thăng bằng như rối loạn tiền đình. Nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh còn có thể bị suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung và tư duy. Thậm chí, có thể gây biến chứng đột quỵ não cực kỳ nguy hiểm.
2. Mối liên hệ giữa thiếu máu não và rối loạn tiền đình
Qua những thông tin trên, chúng ta có thể thấy triệu chứng của rối loạn tiền đình và thiếu máu não khá giống nhau, điển hình như hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau đầu, mất ngủ, khó ngủ, mệt mỏi,…. Không chỉ vậy, bệnh lý rối loạn tiền đình và thiếu máu não còn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Cụ thể như sau:
- Thiếu máu não là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tiền đình: Bệnh thiếu máu não làm suy giảm lượng máu đến não bộ, khiến các tế bào thần kinh không được nuôi dưỡng đúng cách. Tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chức năng của hệ thống tiền đình và gây rối loạn tiền đình.
- Rối loạn tiền đình làm tăng nặng các triệu chứng của thiếu máu não: Người bị rối loạn tiền đình thường cảm thấy mệt mỏi, dễ cáu gắt, bực bội, căng thẳng, stress, lười vận động. Chính những yếu tố này làm ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu lên não và làm tăng nặng các triệu chứng của thiếu máu não.
3. Những phương pháp phòng ngừa rối loạn tiền đình và thiếu máu não
Để chủ động phòng ngừa 2 căn bệnh vô cùng phổ biến này, người bệnh cần nắm rõ một số phương pháp sau đây:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn uống đủ chất, bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ như: rau xanh, trái cây, ngũ cốc, hạt, đậu, trứng, sữa, thịt nạc,… nhằm thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng cường sức khoẻ tổng thể.
- Ăn uống đủ bữa, không bỏ bữa sáng, tuyệt đối không được nhịn đói vì có thể gây tụt huyết áp.
- Hạn chế đồ ăn chiên xào chứa nhiều dầu mỡ vì chúng có thể gây tắc nghẽn động mạch, giảm khả năng lưu thông máu đến não và các chi. Từ đó, làm tăng nặng triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình và thiếu máu não.
- Tránh sử dụng rượu bia, cà phê, thuốc lá, trà đặc,… vì có thể gây kích thích hệ thần kinh, suy nhược thần kinh, tăng huyết áp, làm tăng các triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai,…
- Bổ sung tối thiểu 1.5 – 2 lít nước/ngày, không nên để đến lúc quá khát mới uống và uống quá nhiều nước một lúc.
- Nên thận trọng khi thay đổi tư thế, tránh động tác đứng lên ngồi xuống quá nhanh và đột ngột. Không sử dụng điện thoại, máy tính, đọc sách báo khi đang di chuyển trên xe ô tô.
- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao vì đây là phương pháp hữu hiệu giúp cơ thể khỏe mạnh, xương khớp dẻo dai mà còn cải thiện các triệu chứng thiếu máu não, rối loạn tiền đình, kích thích sự phục hồi chức năng hệ thần kinh, tăng cường hệ miễn dịch, giảm stress,…
- Tránh ngồi làm việc quá lâu, thi thoảng nên đứng dậy đi lại hoặc vận động nhẹ nhàng 5 – 10 phút sau mỗi 1 – 2 tiếng ngồi làm việc.
- Duy trì lối sống tích cực, vui vẻ, thoải mái, tránh căng thẳng, nên ngủ sớm, ngủ đủ giấc từ 7 – 8 tiếng/ngày, tránh thức khuya, làm việc vừa sức.
Rối loạn tiền đình và thiếu máu não không đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh, tuy nhiên có thể gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Hy vọng thông qua bài viết của Thiên Dược ngày hôm nay, các bạn đã biết cách phân biệt rối loạn tiền đình và thiếu máu não để tìm ra phương pháp phòng ngừa – điều trị hiệu quả.
Các bạn có thể tham khảo thêm: