Tiền tiểu đường là gì nằm trong số những câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Các chuyên gia cảnh báo: tiền tiểu đường có thể tiến triển thành tiểu đường nếu không có biện pháp can thiệp phù hợp. Xin mời các bạn cùng tham khảo bài viết của Thiên Dược để hiểu rõ hơn về tiền tiểu đường nhé!
1. Tiền tiểu đường là gì?
Tiền tiểu đường là tình trạng nồng độ đường (glucose) trong máu cao hơn mức bình thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Nguyên nhân tiền tiểu đường có liên quan đến hai nhóm yếu tố. Nhóm yếu tố thứ nhất là nhóm yếu tố không thể thay đổi, bao gồm di truyền, tuổi tác và tiền sử gia đình. Nhóm yếu tố thứ hai có thể thay đổi, bao gồm cân nặng, thói quen và lối sống.
Sau đây, chúng tôi sẽ tổng hợp 5 yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiền tiểu đường.
- Yếu tố di truyền: Khi gia đình bạn có người từng mắc bệnh tiểu đường và bạn thừa hưởng nguồn gen này, nguy cơ mắc tiền tiểu đường sẽ cao hơn những người khác. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh bằng việc thay đổi lối sống, chế độ vận động và ăn uống.
- Thừa cân, béo phì: Người thừa cân, béo phì thường bị tích tụ mỡ thừa ở các cơ quan nội tạng và dưới da. Các tế bào mỡ càng nhiều thì khả năng kiểm soát đường huyết sau ăn của hormone insulin càng kém đi. Bên cạnh đó, mỡ thừa tích tụ xung quanh tụy còn làm giảm khả năng tiết insulin của tuyến tụy. Khi hai yếu tố này kết hợp với nhau sẽ khiến cho nồng độ đường huyết của cơ thể tăng cao hơn mức bình thường và dẫn tới tiền tiểu đường.
- Ăn uống không hợp lý: Nguy cơ mắc tiền tiểu đường sẽ cao hơn nếu bạn thường xuyên ăn các thực phẩm chứa nhiều cholesterol, chất béo bão hòa, đường và carbohydrate. Những chất này có nhiều trong đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp, nội tạng động vật, bánh kẹo, nước ngọt. Những loại thực phẩm này thường chứa calo rỗng vì chúng không cung cấp nhiều chất dinh dưỡng để hỗ trợ nhu cầu trao đổi chất của cơ thể. Trái lại, khi sử dụng các loại thực phẩm này chúng ta sẽ nạp quá nhiều đường hơn mức cần thiết.
- Lười tập thể dục: Lười tập thể dục và thường xuyên ngồi lâu trong nhiều giờ là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiền tiểu đường. Lối sống ít vận động không chỉ làm tăng chỉ số khối cơ thể (BMI), gây thừa cân, béo phì mà còn làm giảm độ nhạy của hormone insulin. Do đó, các tế bào sẽ tiếp nhận glucose kém hiệu quả hơn và lượng đường dư thừa trong máu cũng tăng lên.
- Căng thẳng, stress: Căng thẳng không trực tiếp dẫn đến tiền tiểu đường nhưng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Khi chúng ta gặp căng thẳng tâm lý, hormone cortisol do tuyến thượng thận tạo ra có thể cản trở quá trình sản xuất insulin của tuyến tụy. Khi lượng insulin bị thiếu hụt, khả năng xử lý glucose (đường) sẽ trở nên kém hiệu quả.
2. Dấu hiệu tiền đái tháo đường
Mặc dù tiền tiểu đường xuất hiện khi lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng lại không có dấu hiệu rõ rệt. Người bệnh thường không phát hiện ra cho đến khi xét nghiệm đường huyết hoặc phân tích nước tiểu. Chỉ số đường huyết của một người khoẻ mạnh bình thường từ 70 – 99 mg/dL. Trong khi chỉ số đường huyết tiền tiểu đường từ 110-125 mg/dL. Khi lượng đường huyết tăng cao, người bệnh có thể gặp một vài triệu chứng tương tự bệnh tiểu đường như khát nước thường xuyên, mệt mỏi, đi tiểu nhiều.
3. Tiền tiểu đường bao lâu thành tiểu đường?
Nếu không có kế hoạch điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt, tiền tiểu đường có thể tiến triển thành bệnh tiểu đường type 2 sau khoảng 5 – 10 năm. Nếu có nguy cơ mắc bệnh tiền tiểu đường, bạn có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát của nó bằng cách ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên và duy trì cân nặng hợp lý. Ngay cả những thay đổi nhỏ như tập thể dục 30 phút năm ngày một tuần và giảm cân 7% tổng trọng lượng cơ thể với người thừa cân cũng giúp ích trong việc đảo ngược tiền tiểu đường, ngăn bệnh tiến triển.
4. Cách phòng ngừa tiền đái tháo đường hiệu quả nhất
4.1. Điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp
Bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc tiền tiểu đường bằng cách bổ sung thực phẩm có lợi cho sức khỏe như rau củ; trái cây tươi; thịt nạc; chất béo lành mạnh (dầu ô liu nguyên chất, bơ, cá biển); ngũ cốc nguyên hạt. Những loại thực phẩm này không chỉ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết mà còn có chỉ số đường huyết thấp, hạn chế lượng đường trong máu tăng cao.
Bạn cần hạn chế hoặc tránh sử dụng là những loại thực phẩm chứa nhiều đường và carbohydrate, chẳng hạn như bánh ngọt, kẹo, kem, trái cây sấy khô, nước ép trái cây đóng hộp, nước ngọt đóng chai, đường tinh luyện, bánh mì trắng, cơm trắng,…
4.2. Duy trì lối sống khoa học
Việc ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày sẽ giúp cơ thể bạn được sảng khoái và tràn đầy năng lượng. Đồng thời, làm giảm lượng hormone cortisol (một yếu tố làm tăng lượng đường trong máu). Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế căng thẳng tâm lý và bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể. Lý do là bởi lượng đường huyết dễ tăng cao hơn khi cơ thể bạn gặp stress hoặc bị mất nước.
4.3. Tăng cường vận động
Hoạt động thể chất thường xuyên mang đến nhiều lợi ích như duy trì cân nặng hợp lý, kiểm soát lượng đường trong máu, tăng độ nhạy insulin. Để có được những lợi ích này, bạn nên duy trì tập luyện 30 phút mỗi ngày hoặc 150 phút mỗi tuần. Bạn có thể tăng dần mức độ tập luyện từ thấp, trung bình đến cao sao cho phù hợp với khả năng của cơ thể.
Vừa rồi, Thiên Dược đã gửi tới độc giả lời giải đáp chi tiết cho câu hỏi: tiền tiểu đường là gì? Hy vọng qua những thông tin trong bài viết, quý độc giả sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về tiền tiểu đường. Đồng thời, có những sự điều chỉnh về lối sống và chế độ sinh hoạt để phòng ngừa tình trạng này nhé.
Các bạn có thể tham khảo thêm các bài viết về bệnh tiểu đường: